Hình tượng Rồng trong kiến trúc Việt

Thứ hai - 25/01/2016 11:16

Trong chuẩn mực xã hội phong kiến xưa, Rồng là hình tượng đại diện cho tầng lớp vua chúa. Vào thời kỳ này, Rồng cũng chỉ được phép dùng để trang trí cho cung điện hoặc cho nơi ở của nhà vua hoặc hoàng thân quốc thích.
Hình tượng Rồng trong văn hóa - kiến trúc Việt Nam.

Có vài quan niệm cho rằng, hình tượng Rồng của nước ta bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương Bắc sau suốt một nghìn năm đô hộ. Tuy thế, khi đi vào tìm hiểu ta có thể dễ dàng nhận thấy, hình tượng Rồng Việt Nam có nhiều nét khác biệt và rất đặc trưng, bắt nguồn từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” mà dân gian lưu truyền đến ngày nay.
Những ghi chép lịch sử về hình tượng Rồng trong kiến trúc Việt còn sót lại không nhiều, mà lý do chính là vì chúng cũng phải trải qua những biến chuyển thăng trầm, chiến tranh và trong suốt thời kỳ phát triển đất nước.
Điểm mốc lịch sử đầu tiên được ghi nhận và còn tồn tại nhiều di tích nhất đến nay được cho là bắt đầu từ thời nhà Lý. Hình ảnh Rồng cuộn mình bay lên cao được Lý Thái Tổ đặt cho kinh đô Thăng Long, cùng với ý chí và khí thế vươn cao của dân tộc.
Rồng thời Lý với nhiều nét đặc trưng cho rồng Việt Nam
Cũng từ thời nhà Lý kéo dài đến suốt triều nhà Nguyễn, con Rồng được dùng nhiều để trang trí các cung điện, miếu mạo, đình chùa với những hình tượng phổ biến như : Lưỡng long chầu nguyệt, Lưỡng long tranh châu, Hồi long chầu nguyệt …
Hình tượng " Lưỡng long tranh châu" tại một công trình kiến trúc cổ

So với con rồng Trung Quốc, hình tượng con Rồng Việt Nam cũng có rất nhiều điểm khác biệt, tiêu biểu nhưbờm dài, có râu cằm, không sừng, mắt lồi to, hàm rộng mở, có răng nanh, lưỡi dài và đặc biệt là có mào ở mũi.Đầu rồng luôn hướng lên để đớp lấy viên ngọc thể hiện một ý chí, một ngưỡng vọng về tinh thần nhân văn cao quí.Đây chính là một hình tượng hoàn hảo về mỹ thuật đặc trưng của dân tộc ta, vì thân hình uốn lượn của nó mang một nhịp điệu hoàn mỹ, vừa đẹp vừa mạnh.
Tác phẩm Rồng kỷ niểm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Rồng thường uốn thành 12 khúc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Thân hình uyển chuyển tượng trưng cho sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.
Một điểm nữa khá đặc trưng khi nhắc đến hình tượng rồng đó là miệng con Rồng Việt Nam luôn ngậm viên châu, khác với hình tượng rồng Trung Hoa hay Nhật Bản thường hay cầm bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng.
Hình tượng Rồng dưới thời Nhà Lê.
Những điều ấy được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên uyển chuyển và một sức căng rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại.
Trong xây dựng hiện đại cũng như phong thủy kiến trúc, hình tượng Rồng vẫn là một hình dáng mang đầy sức mạnh, sự uy nghi, tốt đẹp.
Hình ảnh con Rồng vẫn được dùng phổ biến ở đình - chùa và nhiều công trình kiến trúc
Cổng biệt thự, cổng nhà và nhiều chi tiết khác vẫn được trang trí bằng hình Rồng theo ý thích của gia chủ, cũng như quan niệm sao cho hợp với phong thủy hiện đại. Người ta tin rằng, hình tượng con Rồng sẽ mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc và sức khỏe cho người sở hữu, biểu trưng cho sự thăng tiến trong quyền lực và sự nghiệp.
Họa tiết phù điêu trang trí hình Rồng - Phượng.
Biên tập bởi ASUZAC ACM.

Nguồn tin: ASUZAC ACM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây